Luật số 10/2022/QH15 Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 Chương, 91 Điều được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2022 (Luật); và thay thế Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.
Theo đó Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức sử dụng lao động, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại khoản 2 Điều 2 quy định khẳng định rất rõ: “Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”
Luật năm 2022 có rất nhiều quy định mới, tuy nhiên bài viết chỉ tóm tắt các nội dung điểm mới liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng lao động và cá nhân người lao động. Sau đây là một số điểm mới, chính cơ bản được quy định tại Chương IV Luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp nhà nước theo hình thức và nội dung đã được quy định như sau:
1. Đối với người sử dụng lao động phải:
a) Công khai:
- Tình hình sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động của doanh nghiệp theo quy định pháp luật doanh nghiệp;
- Thỏa ước lao động tập thể
- Việc trích, lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ khác do người lao động đóng góp;
- Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
- Tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động;
- Quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp;
- Và các nội dung công khai khác theo quy định của pháp luật.
b) Hình thức công khai:
- Niêm yết thông tin tại hội nghị người lao động hoặc hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và các hình thức đã được quy định tại doanh nghiệp như: tại các cuộc họp, giao ban của đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp;
- Thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động;
- Thông qua người phụ trách các đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp để thông báo đến người lao động;
- Thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;
- Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và được sự thống nhất của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có);
- Các hình thức chuyển tải thông tin khác không vi phạm quy định của pháp luật và được quy định trong quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp…
2. Đối với người lao động:
a) Người lao động bàn và quyết định những nội dung sau:
- Nội dung thương lượng tập thể đã đạt được theo quy định của pháp luật;
- Việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của người lao động;
- Việc bầu, cho thôi làm thành viên Ban Thanh tra nhân dân;
- Nội dung nghị quyết của hội nghị người lao động
- Và các nội dung tự quản khác trong nội bộ doanh nghiệp nhà nước không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
b) Người lao động bàn và quyết định qua hình thức:
Thông qua Hội nghị người lao động hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có), người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp nhà nước hoặc khi có ít nhất là một phần ba tổng số người lao động của doanh nghiệp cùng đề nghị, người lao động được bàn và quyết định về:
- Thỏa ước lao động tập thể
- Việc trích, lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ khác do người lao động đóng góp;
- Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
- Tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động;
- Quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp.
Việc thực hiện các nội dung được nêu tại mục này, người sử dụng lao động, Đảng viên và người lao động phải tuân thủ theo quy định pháp luật về lao động.
3. Hội nghị người lao động
a) Tổ chức:
- Hội nghị người lao động do ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước và Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) phối hợp tổ chức.
- Hội nghị người lao động được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần sau khi kết thúc năm tài chính của doanh nghiệp nhưng không chậm hơn 03 tháng của năm tiếp theo do người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp quyết định sau khi lấy ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có).
- Hội nghị người lao động được tổ chức bất thường khi có đề xuất của một trong các thành phần: Ban Chấp hành Công đoàn, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở ở doanh nghiệp, Ban lãnh đạo doanh nghiệp hoặc các thành phần khác theo quy định pháp luật đủ điều kiện đề nghị.
b) Thành phần dự hội nghị người lao động tại doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau:
- Đối với doanh nghiệp có sử dụng ít hơn 100 người lao động, thì tổ chức hội nghị toàn thể người lao động của doanh nghiệp;
- Đối với doanh nghiệp có sử dụng từ 100 người lao động trở lên hoặc có dưới 100 người lao động nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc, thì người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp thống nhất với Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, ban đại diện của tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có) quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể người lao động hoặc đại biểu người lao động phù hợp với đặc điểm tình hình của doanh nghiệp;
- Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất là hai phần ba tổng số người lao động của doanh nghiệp hoặc ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu được triệu tập có mặt. Nghị quyết, quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% tổng số người dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội.
4. Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước:
a) Tổ chức:
- Do hội nghị người lao động bầu gồm từ 03 đến 09 thành viên, nhiệm kỳ là 2 năm; theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn ở doanh nghiệp, tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở (nếu có). Trường hợp doanh nghiệp nhà nước có tính chất đặc thù hoặc hoạt động phân tán thì hội nghị người lao động có thể quyết định số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân nhiều hơn để bảo đảm hoạt động có hiệu quả.
- Thành viên Ban Thanh tra nhân dân là người đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín trong doanh nghiệp và đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ; có hiểu biết về chính sách, pháp luật và tự nguyện tham gia. Thành viên Ban Thanh tra nhân dân không đồng thời là người đại diện có thẩm quyền, thành viên ban lãnh đạo, điều hành, kế toán trưởng của doanh nghiệp.
b) Nhiệm vụ, quyền:
- Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể người lao động; giám sát việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của doanh nghiệp nhà nước.
- Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.
- Yêu cầu người đại diện có thẩm quyền, ban lãnh đạo, điều hành của doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh, kiểm tra, giám sát.
- Xem xét, xác minh vụ việc cụ thể theo đề nghị của người lao động ở doanh nghiệp.
- Và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật về lao động
5. Thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước
- Việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thực hiện theo quy định chung của Luật này và các quy định cụ thể về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, tùy theo đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế của tổ chức, được quyền lựa chọn áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước quy định tại Mục 1 Chương IV Luật này tại doanh nghiệp mình; thông báo đến tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp, tổ chức và công khai nội dung áp dụng để người lao động được biết.
- Ngoài ra, Doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước được khuyến khích mở rộng các hình thức thực hiện dân chủ tại cơ sở theo đúng quy định pháp luật, không trái thuần phong mỹ tục…