Lưu ý soạn thảo HĐLĐ theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 do Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành
Ngày 12 tháng 11 năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (Thông tư) và có hiệu lực ngày 01/01/2021. Theo đó, Thông tư quy định hướng dẫn chủ yếu các nội dung chính sau đây:
1. Quy định về thông tin bổ sung phải có trên hợp đồng lao động
Ngoài quy định thông tin về nhân thân chủ thể ký kết hợp đồng lao động thì, các thông tin liên lạc trực tiếp với người lao động buộc phải phải ghi trên hợp đồng lao động:
– Số điện thoại của người lao động
– Số Giấy phép lao động hoặc số văn bản xác nhận thuộc diện được miễn GPLĐ (nếu lao động là người nước ngoài);
– Địa điểm làm việc: cần ghi đầy đủ các địa điểm mà người lao động sẽ làm việc thường xuyên tại đó;
2. Quy định rõ về mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác:
- Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;
- Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên như sau:
+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;
+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
+ Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
- Đối với các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động
3. Quy định 11 nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản của lao động nam
Bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp với kim loại nặng như Cadimi (CD), chì (Pb), niken (Ni), thủy ngân (Hg) ...
- Tiếp xúc với hóa chất công nghiệp như Benzene (C6H6); Toluene (C7H8); Xylene (C6H10), thuốc trừ sâu, diệt cỏ, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn.
- Tiếp xúc trực tiếp với sóng siêu âm cao tần như sóng ra-đa (radar)...
- Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân;
- Sử dụng chất phóng xạ;
- Sản xuất chế biến chất phóng xạ.
- Lưu trữ chất phóng xạ và xử lý, lưu trữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng;
- Sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ;
- Đóng gói, vận chuyển chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân;
- Thăm dò, khai thác, chế biến quặng phóng xạ;
- Thực hiện các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử có khả năng tiếp xúc trực tiếp với bức xạ ion hóa.